HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH NĂM 2023 (WORLD COPD DAY - 15/11/2023)

HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH NĂM 2023 (WORLD COPD DAY - 15/11/2023)

 Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được, bệnh đặc trưng bởi sự tồn tại dai dẳng của các triệu chứng hô hấp gồm khó thở, ho và/hoặc khạc đờm. COPD hiện là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, bệnh hiện xếp hàng thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong trên toàn cầu và rất phổ biến ở các nước chậm phát triển. Tổ chức Y tế thế giới ước tính toàn cầu có trên ba triệu người chết mỗi năm do COPD. Con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên do dân số thế giới già đi và còn tiếp tục tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, như khói thuốc lá.

Ngày Thế giới phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (World COPD Day) là một sáng kiến ​​toàn cầu thường niên do Tổ chức “Sáng kiến ​​Toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính” (GOLD) thực hiện. “World COPD Day” nhằm nâng cao nhận thức và phổ biến kiến ​​thức mới cũng như các chiến lược điều trị mới cho bệnh COPD trên toàn thế giới.
“World COPD Day” thường niên lần thứ 22 sẽ diễn ra vào ngày 15 tháng 11 năm 2023. Chủ đề của năm 2023 “Hơi thở là sự sống – Hành động sớm hơn” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của chăm sóc, chẩn đoán và can thiệp sớm các bệnh lý ở phổi. Giữ cho lá phổi khỏe mạnh là một phần không thể thiếu cho sức khỏe trong tương lai và điều quan trọng hơn bao giờ hết là phải hành động sớm hơn. Hiện nay, có nhiều yếu tố khác ngoài việc hút thuốc lá có thể góp phần gây nên bệnh COPD. Đây là bệnh có thể phát sinh sớm và ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi.
Chiến dịch năm nay sẽ tập trung vào việc nêu bật tầm quan trọng của việc hành động sớm để bảo vệ sức khỏe phổi. Điều này có thể bao gồm ngăn ngừa sớm các yếu tố nguy cơ, theo dõi sức khỏe phổi từ khi sinh ra, chẩn đoán sớm COPD và điều trị kịp thời.
Phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mọi người cần thực hiện:
- Nói không với hút thuốc lá (chủ động và thụ động).
- Tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm luôn giữ môi trường không khí nơi sinh sống luôn sạch sẽ, thông thoáng.
- Phòng tránh bệnh lý nhiễm trùng hô hấp và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cần thiết.
- Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên từ bỏ thuốc lá, tránh xa môi trường không khí ô nhiễm, duy trì luyện tập các bộ môn thể thao như đạp xe, đi bộ... ở mức độ trung bình từ 30-60 phút/ngày, tùy theo khả năng và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng. Khi bệnh tái phát hoặc diễn biến nặng thì nên đi khám bệnh ngay.

                                                                      BSCK1 Nguyễn Tấn Hiền-Bệnh viện Phổi Long An.

Đang xử lý