Ngày thế giới phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 17.11.2021
World COPD Day
World COPD Day là Ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) Thế giới do Sáng kiến toàn cầu về Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Global Initiative for chronic Obstructive Lung Disease viết tắt là GOLD) phối hợp với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và các nhóm bệnh nhân trên khắp thế giới tổ chức hàng năm vào ngày thứ tư tuần thứ ba tháng 11 của năm. Mục đích ngày này giúp nâng cao nhận thức, chia sẻ kiến thức, để giảm gánh nặng của BPTNMT trên toàn thế giới. Mỗi năm GOLD chọn một chủ đề cho các hoạt động của Ngày BPTNMT Thế giới được tổ chức ở mỗi quốc gia bởi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Chủ đề của ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính Thế giới 17/11/2021 là “Không gì quan trọng hơn lá phổi khỏe”.
Mục tiêu của năm 2021 nhấn mạnh rằng gánh nặng của BPTNMT vẫn còn, mặc dầu đại dịch COVID-19 đang xãy ra trên toàn cầu. Ngay cả khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, BPTNMT cũng vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới - không gì quan trọng hơn vào thời điểm hiện nay là tập trung vào chăm sóc sức khỏe của phổi.
Để giữ phổi khỏe mọi người nên thực hiện một số hành động để cải thiện sức khỏe tổng thể và giúp kiểm soát BPTNMT bao gồm các hành động: Ngừng hút thuốc lá, tránh xa môi trường ô nhiễm không khí và khói bụi nghề nghiệp, duy trì hoạt động thể chất như tập thể dục thường xuyên.
Các bệnh nhân BPTNMT trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diển biến phức tạp được khuyên tiêm tiêm chủng Vắc xin (ngừa COVID, Cúm và Phế cầu), tái khám định kỳ, tuân thủ việc sử dụng thuốc điều trị để kiểm soát bệnh, thường xuyên tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng phổi và luôn đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh, giàu chất chống oxy hóa là chính mình đã giúp cho lá phổi luôn khỏe.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BPTNMT có tỷ lệ lưu hành cao ở những
nước sử dụng nhiều thuốc lá. Tại Việt Nam, đây là bệnh lý hô hấp mạn tính với xu hướng ngày càng tăng do tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề, thói quen hút thuốc lá chưa giảm. Đa phần người mắc BPTNMT thường không được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Do chủ quan không chú ý đúng mức các dấu hiệu như ho khạc đàm ở những người hút thuốc, tăng số lượng đàm, khó thở khi làm nặng, vận động nhiều.
Vì vậy, những trường hợp được phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, biến chứng
nặng gây tàn phế, tỉ lệ tử vong cao và chi phí y tế cho việc chăm sóc điều trị cao.
BPTNMT là căn bệnh rất nghiêm trọng cần phải phát hiện sớm và điều trị kịp
thời ở giai đoạn sớm tránh được các biến chứng nguy hiểm do căn bệnh này gây ra.
Làm thế nào để biết một người có bị BPTNMT?
Để tầm soát nhanh BPTNMT mọi người hãy trả lời 5 câu hỏi dưới đây:
Câu 1: Ông/bà có ho vài lần trong ngày ở hầu hết các ngày không?
Câu 2: Ông/bà có khạc đàm ở hầu hết các ngày không?
Câu 3: Ông/bà có bị khó thở hơn những người cùng tuổi?
Câu 4: Ông/bà có trên 40 tuổi?
Câu 5: Ông/bà có đang hút thuốc lá hay đã từng hút thuốc không?
Nếu có 3 câu trả lời là "có" thì bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và
tư vấn BPTNMT.
BPTNMT nếu không được phát hiện sớm và điều trị sẽ diễn tiến và biến chứng như thế nào?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây ảnh hưởng
đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, tình trạng khó thở trong bệnh phổi tắc
nghẽn mạn tính sẽ tăng dần theo thời gian, bệnh nhân sẽ bị hạn chế trong công việc, lao động, sinh hoạt vì khó thở. Ngoài ra, nếu không điều trị, bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ có những đợt bệnh trở nặng gọi là đợt kích phát, làm cho bệnh nhân khó thở nhiều hơn, có thể dẫn đến nhập viện và tử vong.
Mọi người nên làm gì nếu bị BPTNMT?
Thứ nhất, người BPTNMT không nên quá lo lắng vì bạn không phải là người duy nhất mắc căn bệnh này.
Thứ hai, hiện nay, Y khoa chưa có thể chữa khỏi hoàn toàn BPTNMT nhưng có thể làm: Giảm triệu chứng bệnh, Chậm quá trình tổn thương ở phổi, Cải thiện khả năng gắng sức nâng cao chất lượng cuộc sống, Ngăn ngừa và điều trị biến chứng.
Thứ ba, Tuân thủ đúng theo hướng dẫn của cán bộ y tế người bệnh sẽ có thể: Giảm khó thở, Giảm ho, Hoạt động nhiều hơn.
Thứ tư, người bệnh cần tái khám định kỳ hàng tháng và mỗi khi có đợt cấp BPTNMT xảy ra.
Phòng ngừa BPTNMT cần làm gì?
Phòng ngừa và điều trị BPTNMT chủ yếu dựa vào việc cai thuốc lá, thuốc lào, cần tránh hít phải khói thuốc (hút thuốc lá thụ động) giữ môi trường sống trong sạch, hạn chế tiếp xúc với các loại khói, tăng cường luyện tập thể dục, thể thao, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tiêm phòng vắc xin (Covid, cúm, viêm phổi).
Người nghi mắc bệnh phải được chẩn đoán phát hiện sớm, kết hợp với các phương pháp vật lý trị liệu để phục hồi chức năng cải thiện chức năng phổi giữ gìn sức khỏe.
Bs Nguyễn Tấn Hiền, Bệnh viện Phổi Long An.